Lướt qua các nhóm xã hội , điều chúng ta thường thấy nhất đó là những yêu cầu về một cơ sở can thiệp trị liệu tốt nhất cho con, nếu không đươc, thì là các giáo viên có kinh nghiệm, có tâm … Chỉ khi nào bố mẹ đã phải lên bờ xuống ruộng trong việc đưa con đi can thiệp các kiểu, đã trải qua những đoạn trường đắng cay với những trung tâm can thiệp nói một đằng làm một nẻo, coi vậy mà không phải vậy…
Thì mới nghĩ đến chuyện tự mình dạy con bởi vì thực tế đã chứng minh không ai giúp cho con mình tốt nhất bằng chính mình !
Nhưng muốn giúp con thì phải hiểu rõ về con, phải mang con đi đánh giá, chẩn đoán ! Nói về việc đánh giá – khi chúng ta đưa con đến một cơ sở bất kỳ, để không phài mất thời gian và chi phí đi lại chúng ta cần chuẩn bị những gì ?
Chúng ta đừng quá chú trọng đến những hiện tượng bên ngoài mà cụ thể là tình trạng chậm nói, chưa có ngôn ngữ lời, chỉ phát ra các âm, các từ vô nghĩa cùng vài biểu hiện về hành vi một cách không bình thường như không biết chỉ tay – hay đi nhón gót, không phản ứng khi gọi tên…mà chúng ta phải xem xét về :
– Các khó khăn về giác quan : Phản ứng về sờ chạm, các khó khăn trong việc ăn uống, về cách nhìn, cách nghe ( không chú ý, không tập trung ) và khả năng nhận biết ( Nhận biết bố mẹ/ người lạ – quen ) khả năng đáp ứng khi có sự tác động ( bằng lời nói và hành động) . Vấn đề về ăn uống ( các thói quen/ sở thích ) và giấc ngủ .
– Các khó khăn về vận động : Khả năng kiểm soát hành vi ( biết tự chủ trong các hoạt động của mình ) Khả năng đi lại, việc leo trèo nhảy nhót và các sự vụng về hay khéo léo của bàn tay.
– Các khó khăn về ngôn ngữ : Không chỉ là việc chậm nói, mà cả tình trạng nói lặp lại, bắt chước các bài hát, các điệu nhạc một cách vô cảm ( không hiểu nghĩa ) Không có các ngôn ngữ chủ động ( sự đáp ứng bằng cử chỉ và sự phản hồi bằng lời nói.
– Các khó khăn trong giao tiếp và ứng xứ : Trẻ không biết ngồi chơi mang tính trao đổi, không biết xử dụng các món đồ chơi theo đúng chức năng, không biết bắt chước làm theo các hành vi của bố mẹ , không thích nghi hay khó hòa nhập khi đến một môi trường mới.
Phụ huynh cần xem xét cả bốn phương diện trên để có những câu hỏi, câu trả lời khi đưa trẻ đến với các nhà chuyên môn. Nói cách khác, các nhà chuyên môn phải đưa ra được các nhận xét xung quanh các vấn đề trên và khi ra về – Phụ huynh được đáp ứng các yêu cầu sau:
– Biết con mình trong nhóm rối loạn phát triển nào ( Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động kém chú ý , chậm phát triển trí tuệ ) có thể có sự đan xem giữa các tình trạng trên , nhưng không có những chẩn đoán mơ hồ như : Theo dõi tự kỷ , dấu hiệu chớm tự kỷ , có rối loạn phát triển lan tỏa , chậm nói , chậm phát triển ngôn ngữ vận động.
– Biết con mình ở mức độ nào ? Nặng, trung bình nặng, trung bình, trung bình nhẹ và nhẹ.Và Tại sao lại ở mức độ đó ? Nhà chuyên môn căn cứ vào yếu tố nào để đánh giá như vậy ?
– Biết làm gì cho con tại gia đình ? Nếu chỉ là các đề nghị chung chung như về chơi với con, nói nhiều với con, hay đề nghị mang con đi can thiệp ở đâu đó mà không có những hướng dẫn cụ thể và nói rõ về vai trò quan trọng của phụ huynh, thì đó chưa phải là một chẩn đoán đạt yêu cầu.
Phụ huynh cần phải cố gắng thu xếp để đưa con đến các cơ sở chuyên môn, không cứ là các bệnh viện lớn, các trung tâm quy mô mà chỉ cần đến một đơn vị có thể giúp cho phụ huynh biết rõ mình phải làm gì, làm thế nào, bằng cách nào, và vào thời điểm nào với con tại gia đình.
Cần làm gì sau khi chuẩn đoán
Điều đầu tiên cho một hoạt động can thiệp tại gia đình – không phải là những lý thuyết cao siêu của các chương trình cao cấp từ các chuyên gia cao đẳng mà chỉ là một hoạt động đơn giản, đó là làm sao cho trẻ thích…chơi và biết..chơi !
Và điều đầu tiên cho phụ huynh khi muốn giúp con, không phải là việc kê một cái bàn, có hai cái ghế và bắt trẻ ngồi vào để mình dạy nói mà là hãy ngồi xuống để tạo ra những điều làm bé thích. Chúng ta phải khiến cho trẻ biết thích, trẻ càng có nhiều cái thích thì chúng ta lại càng có nhiều cơ hội để đến gần trẻ và giúp cho trẻ có nhiều cơ hội để phát triển .
Trẻ phát triển qua chơi chứ không qua học ? Đùa à ? Không, nói một cách hoàn toàn nghiêm túc bởi vì công việc quan trọng và nghiêm túc nhất của đứa trẻ là ..chơi !
Chúng ta hãy nhìn vào một hệ thống giáo dục nổi tiếng nhất là phương pháp Montessori, chúng ta thấy gì trong các lớp học? Phải chăng là hình ảnh các em bé ngồi khoanh tay ngoan ngoãn, im lặng, nghiêm trang và ..buồn bã nhìn lên bảng, với một giáo viên trịnh trọng, nghiêm khắc và một cái roi trong tay ? Hay đó là những đứa trẻ sinh động, vui tươi, tự tin đang ngồi chơi với các công cụ đa đạng một cách chủ động, còn các giáo viên chỉ là người hỗ trợ, ngồi quan sát trẻ ?
Vậy thì sẽ làm gì cho con
Trong các chương trình Can thiệp Thụ động mà hầu hết các trung tâm, cơ sở đang áp dụng đó là việc một đứa trẻ ngồi một cách “trang nghiêm nhất có thể” phải nhìn thẳng vào mặt cô một cách tập trung nhất có thể ( dễ thương là lợi thế ) và phải lặp lại một cách máy móc nhiều nhất có thể để đưa đến việc trẻ có thể bắt chước lời nói, bắt chước động tác trong những bối cảnh dàn dựng , nhưng trẻ vẫn không thể áp dụng những kỹ năng này nếu chúng ta không dạy chúng trong các hoạt động đời thường.
Mà các hoạt động đời thường sẽ được diễn ra ở đâu ? và ai sẽ là người có thể đi cùng trẻ trong tất cả các hoạt động đời thường ? Với các chương trình can thiệp tại các trung tâm, các giáo viên mới chỉ tạo ra được các động lực nhân tạo ( hoặc giả tạo ) và những hình ảnh vô hồn trên các thẻ tranh trong một môi trường nhân tạo ( ngồi bàn ). Trong khi đó, cuộc sống đích thực mà đứa trẻ cần phải có, chính là các hoạt động trong môi trường tự nhiên nhất, gần gũi nhất của trẻ. Vì vậy Mục tiêu của mọi chương trình can thiệp phải là tạo được cho trẻ động lực thúc đây mà ở đây chính là sự hứng thú và yêu thích trong các hoạt động …vui chơi có mục đích ( chứ không phải là giỡn..chơi ) !
Đến đây – chúng ta đã thấy là để biết cách CHƠI VỚI TRẺ – không phải là dễ như chơi ! Nhưng phụ huynh có thể hoàn toàn áp dụng tại gia đình với những kiến thức mà chúng ta có thể tiếp thu được trong cách khóa hướng dẫn Cách CHƠI VỚI TRẺ . Chúng ta không chăm chú vào các biện pháp mì ăn liên với cách kinh nghiệm của người khác, chúng ta không chạy theo các quảng cáo với các liệu pháp thần kỳ của người khác. Chúng ta hãy nhập cuộc để cứu con em chúng ta bằng chính NỘI LỰC của BẢN THÂN . Hãy là CHÍNH MÌNH để giúp cho CON MÌNH !
Hãy tìm thì sẽ gặp – đừng thụ động nếu muốn con trở nên sinh động.